Đối với quá trình làm khô bề mặt sơn, người thợ có thể sử dụng phòng sấy để đẩy nhanh quá trình. Tuy nhiên, độ bền của bề mặt sơn sẽ không được tốt như khi để khô tự nhiên trong điều kiện bình thường.
Để tân trang cho diện mạo chiếc xế cưng, không ít người đã chọn phương pháp sơn airbrush vốn vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
Đối với những người yêu xế hộp nói chung và đam mê độ xe nói riêng, việc thay bộ tem vỏ xe hay sơn lại toàn bộ theo một biểu tượng nào đó dường như đã trở thành lựa chọn quen thuộc khi họ muốn thể hiện cá tính của mình. Một trong những phương pháp giúp họ tân trang cho xế cưng chính là sơn airbrush.
Trong khuôn khổ bài viết, AutoPro sẽ giới thiệu đến bạn đọc nghệ thuật sơn airbrush với sự hướng dẫn của anh Ngọc Tâm. Với 5 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Tâm là một người thợ đến từ nhóm sơn airbrush Kzak.
Anh Tâm cho biết, việc sơn airbrush cho mỗi chiếc xe cũng giống như quá trình họa sỹ sáng tác một bức tranh. Người thợ có thể sơn airbrush theo mẫu có sẵn. Tuy nhiên, nếu không có sự khéo tay, kinh nghiệm và lòng đam mê với nghề sơn airbrush thì người thợ không thể nào vẽ nên một tác phẩm được mọi người trầm trồ.
Theo anh Tâm, các công đoạn của việc sơn airbrush khá đơn giản nên hầu hết mọi người đều có thể thử tự làm tại nhà. Điều khó với những người không chuyên về sơn airbrush là tìm mua được màu chuẩn để pha và bút vẽ để sơn.
Các họa tiết airbrush thường được vẽ trên bình xăng, vỏ xe và chắn bùn. Do đó, để tiến hành sơn airbrush, người thợ cần phải tẩy sạch lớp sơn cũ của xe. Sau đó, dùng giấy nháp loại thô để đánh qua bề mặt sao cho sạch hết lớp gỉ và tạo bề mặt bằng phẳng hơn.
Các lớp sơn trên bề mặt gồm có sơn lót, sơn chống gỉ và sơn bả.
Tiếp theo, người thợ tiến hành sơn chống gỉ và sơn lót tạo bề mặt bám cho lớp bả. Điểm quan trọng của bước này là tạo bề mặt sơn bằng phẳng nhất để đảm bảo chất lượng thẩm mỹ tốt hơn và độ bền cao hơn.
Sau khi sơn bả xong bề mặt, một lần nữa người thợ lại dùng giấy nháp loại thô để đánh phẳng bề mặt đã được sơn bả và dùng thêm giấy nháp mịn để đánh kỹ hơn. Cuối cùng là thêm một lớp sơn lót lên trên bề mặt bả của bình xăng để tạo độ bám cho lớp màu nền mới. Như vậy, người thợ sơn đã kết thúc quá trình chuẩn bị nền cho bức vẽ airbrush của mình.
Sau khi lớp sơn nền khô, người thợ sẽ phải pha màu sơn để chuẩn bị sơn màu nền và vẽ airbrush trên bề mặt đã được xử lý ở các bước trên. Quá trình pha sơn rất quan trọng và được ví như việc chuẩn bị phấn màu của người thợ trang điểm. Màu sơn sẽ được lựa chọn phụ thuộc vào màu nền và màu của chi tiết trong hình mẫu.
Trong quá trình này, nếu sơn bị pha không đều hoặc sơn có chất lượng không tốt thì có thể dẫn đến tình trạng sạn màu, sơn không đều hoặc chảy sơn. Tất cả đều có thể làm hỏng một tác phẩm sơn airbrush trên xe. Sau khi hoàn thành phần sơn màu nền cho xe, người thợ vẽ airbrush tiến hành sơn theo ý tưởng của khách đặt hàng.
Tiến hành sơn màu nền cho sản phẩm.
Màu nền sau khi được sơn xong.
Để có thể sơn airbrush trên xe, trước tiên người thợ phải dựng hình theo mẫu hoặc ý tưởng của khách trên bề mặt sơn nền. Điều khó của bước này là người thợ sơn sẽ phải dựa trên kinh nghiệm và sự tinh tế của bản thân để bố trí tỉ lệ hình vẽ sao cho phù hợp với kích thước của bề mặt sơn. Ngoài ra, việc dựng hình trên bề mặt sản phẩm cũng là bước nền móng để người thợ tiến hành sơn chi tiết cho cả bức hình trên xe. Đây chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến tính nghệ thuật của một tác phẩm airbrush.
Sơn dựng hình cho tác phẩm airbrush.
Sau khi dựng hình xong, các hình sơn airbrush đã dần được hình thành trên bề mặt.
Sau khi dựng hình xong, người thợ tiến hành sơn chi tiết và nhấn nhá góc cạnh cho bức hình. Tiếp đến là dần dần sửa lại những chi tiết chưa sắc nét của lần dựng hình đầu tiên. Người thợ sơn có thể sử dụng màu sơn nền hoặc màu sơn của bức vẽ để đánh kỹ lại những chi tiết trên hình vẽ.
Sau khi được sơn chi tiết, hình vẽ airbrush trở nên sắc nét và rõ ràng hơn.
Và để hoàn thiện một tác phẩm airbrush, người thợ sơn tiến hành sơn đẩy khối, tạo chiều sâu cho hình. Đây là bước quan trọng trong quá trình sơn vì bức hình có sống động hay không đều phụ thuộc vào bước này. Người thợ sẽ sử dụng một khuôn tự do (thường là những miếng mica mỏng) để bo hình theo khung đã được dựng trước đó. Đồng thời, khuôn tự do cũng sẽ giúp người thợ sơn đánh kỹ hơn các chi tiết của bức hình, tạo độ sáng tối, màu sắc và điều chỉnh độ sắc nét của hình vẽ.
Khuôn tự do để người thợ sơn airbrush có thể tinh chỉnh các đường nét, đổ bóng cho hình vẽ...
Trong quá trình sơn airbrush, một người thợ có kinh nghiệm sẽ biết điều chỉnh tỉ lệ màu sao cho đúng với mẫu, sử dụng kim phun sơn phù hợp đồng thời đường sơn sẽ đi chuẩn và đúng với ý tưởng của hình vẽ. Sau khi hoàn thiện hình vẽ trên bề mặt, người thợ sơn tiến hành tinh chỉnh lại hình vẽ và bề mặt sơn nền để bỏ nhưng điểm lem màu hoặc vết tay do quá trình sơn gây ra.
Anh Tâm chia sẻ, trong quá trình sơn airbrush, đôi khi hình vẽ thực tế không cố định phải theo hình mẫu mà người thợ sơn có thể phối hợp hài hòa giữa mẫu của khách và sự sáng tạo của bản thân để tạo ra sự khác biệt cho từng sản phẩm cả về chi tiết, màu sắc sao cho phù hợp với xe cũng như cá tính của người chủ xe.
Đến lúc này, quá trình sơn airbrush đã hoàn thành đến 80%. Người thợ sẽ tiến hành phủ sơn bóng để tạo độ bóng và thêm chiều sâu cho bức hình cũng như tạo thêm lớp bảo vệ cho lớp sơn vẽ ở dưới.
Sau khi phủ bóng xong, sản phẩm sẽ cần một thời gian để khô lớp sơn mới trên bề mặt. Thời gian phơi khô của sản phẩm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ môi trường, độ ẩm và chất liệu sơn. Nếu thời tiết có độ ẩm cao, màu sẽ không thể lên được độ tươi sáng như mong muốn.
Cuối cùng, sau khi bề mặt sơn đã khô, người thợ sơn sẽ tiến hành dùng xi để đánh bóng và loại bỏ những tì vết hoặc lớp bụi khi tiến hành phủ bóng, giúp bề mặt sản phẩm sáng bóng và mịn màng hơn.
Và lúc này, người thợ chỉ cần tiền hành lắp các phần đã được sơn airbrush lên xe để hoàn thành công việc của mình. Dưới đây là những hình ảnh về chiếc xe VRX 400 sau khi đã được sơn airbrush:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét